Diễn biến Chiến_dịch_phòng_ngự_chiến_lược_Leningrad

Trận phản công Soltsy

Ngày 10 tháng 7, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô được cải tổ thành Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên Xô do I. V. Stalin làm Tổng tư lệnh tối cao.[13] Ngày 8 tháng 8, I. V. Stalin ra lệnh thành lập Bộ Tổng tư lệnh các hướng mặt trận chủ yếu. Nguyên soái S. K. Timoshenko được bổ nhiệm Tổng tư lệnh hướng Tây, nguyên soái S. M. Budyonyi được bổ nhiệm Tổng tư lệnh hướng Tây Nam, nguyên soái K. Ye. Voroshilov được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh hướng Tây Bắc. Để bảo đảm tăng dày mật độ phòng thủ, Bộ Tổng tư lệnh hướng Tây Bắc được tăng viện Tập đoàn quân 34 mới thành lập và bố trí nó ở xung quanh phía Nam Leningrad.

Ngày 10 tháng 7, các đơn vị xung kích Đức bắt đầu tấn công trên hướng Slavkovichi - Bushegorod (???). Sư đoàn xe tăng 8, Sư đoàn cơ giới 3 và Sư đoàn cơ giới SS "Totenkorpf" nhanh chóng đánh bật các sư đoàn bộ binh 180 và 182 của Quân đoàn 22 (Liên Xô) khỏi tuyến sông Cheryokha và dồn các đơn vị này về tuyến sông Shelon. Sang ngày 11 tháng 7 và 10 ngày sau đó, cuộc tấn công của quân Đức không còn diễn ra một cách suôn sẻ trước các tuyến phòng thủ nhiều lớp của quân đội Liên Xô trên tuyến phòng thủ Luga. Trong nhật ký chiến sự của mình, tướng Đức Franz Halder viết:[14]

Ngày 11 tháng 7: Ở mặt trận của Cụm tập đoàn quân "Bắc", những đơn vị cản hậu mạnh của địch được xe tăng và không quân yểm trợ đã ngoan cố chống lại Cụm xe tăng của Hoepner.Ngày 12 tháng 7: Cụm xe tăng của Hoepner mà các đơn vị tiên phong đã bị kiệt sức và quá mệt mỏi chỉ tiến được chút ít về hướng Leningrad.Ngày 13 tháng 7: Cụm tập đoàn quân "Bắc" vẫn tiến lên rất chậm vì đường sá không bảo đảm.Ngày 15 tháng 7: Cuộc tiến công của Cụm xe tăng của Hoepner đã bị chặn lại để chờ một sư đoàn bộ binh đến lấp vào khoảng trống giữa các quân đoàn 41 và 56... Cũng như trước, quân Nga vẫn chiến đấu hết sức quyết liệt.Ngày 16 tháng 7: Tiếp tục tập trung lại lực lượng để đánh một đòn vào Novgorod nhưng việc tập trung không thể diễn ra theo kế hoạch vì cánh phải của Tập đoàn quân 16 vẫn tiến rất chậm lên phía Bắc.Ngày 17 tháng 7: Từ Bộ Tham mưu Cụm tập đoàn quân "Bắc" trở về, Tổng tư lệnh Walther von Brauchitsch cho biết lực lượng chiến đấu của các binh đoàn của chúng ta đã suy giảm rõ rệt. Sư đoàn xe tăng 8 sẽ phải rút khỏi mặt trận để củng cố lại. Sư đoàn SS "Totenkopf" phải kéo lên phía trước để che chắn bên sườn.Ngày 18 tháng 7: Cụm tập đoàn quân "Bắc": Không có thay đổi quan trọng xảy ra.Ngày 19 tháng 7: Cụm tập đoàn quân "Bắc": Không có thay đổi đáng kể.Ngày 20 tháng 7: Cụm tập đoàn quân "Bắc": Tiếp tục kế hoạch bố trí lại quân đội ở phía bắc.Ngày 22 tháng 7: Vào buổi chiều, Tổng tư lệnh từ chỗ Quốc trưởng trở về cho biết: Tổng hành dinh rất lo lắng về Cụm tập đoàn quân "Bắc". Tình hình ở khu vực này luôn bất ổn so với các khu vực khác của mặt trận phía Đông. Cụm tập đoàn quân Bắc không tập hợp được các lực lượng xung kích và luôn mắc sai lầm. Các cuộc giao chiến của Cụm tập đoàn quân này đã trở nên tồi tệ hơn so với lúc bắt đầu chiến tranh.

Với đà tấn công có được sau trận thắng tại khu vực Pskov - Opochka, ngày 11 tháng 7, Quân đoàn xe tăng 56 do tướng Erich von Manstein chỉ huy nhanh chóng phát triển đòn công kích tiếp theo dọc theo bờ Bắc sông Shelon. Các đơn vị đi đầu thuộc Sư đoàn xe tăng 8 (Đức) đã đè bẹp đòn phản kích của Sư đoàn bộ binh 183 (Liên Xô) trên khu vực Zamoshki - Gorki và đánh bật Sư đoàn cơ giới 202 (Liên Xô) sang bờ Nam sông Shelon. Ngày 12 tháng 7, tiền đội của Sư đoàn xe tăng 8 (Đức) vượt qua Soltsy và ngày 13 tháng 7 đã tiến đến tuyến sông Mshaga. Cùng ngày 13 tháng 7, Sư đoàn xe tăng 3 (Đức) vượt sông Mshaga tiến đánh đầu mối giao thông Gorodishche. Khu vực này là điểm nối quan trọng giữa cánh trái của Tập đoàn quân 11 của Phương diện quân Bắc với cánh phải của Tập đoàn quân 22 thuộc Phương diện quân Tây (Liên Xô). Chiếm được tuyến này, Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức) sẽ uy hiếp sườn phía Nam của tuyến phòng thủ Luga và đe dọa phá vỡ cánh phải của Phương diện quân Tây (Liên Xô) mà chủ lực của nó đang được dồn vào các trận đánh ác liệt trên khu vực Smolensk; đồng thời cắt đứt con đường sắt chiến lược nối Leningrad với Smolensk chạy qua Soltsy.[15]

Ngày 14 tháng 7, Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) bất ngờ mở một cuộc phản công lớn vào Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) tại khu vực Soltsy, cách Pskov khoảng 140 km về phía Đông Đông Bắc. Quân đội Liên Xô sử dụng Quân đoàn bộ binh 16 gồm các sư đoàn bộ binh 70 và 237, được tăng cường Sư đoàn xe tăng 21 của Quân đoàn cơ giới 10. Bộ chỉ huy chiến dịch thành lập hai cụm pháo chống tăng cấp chiến dịch gồm các trung đoàn pháo binh 68, 221, 227, 252 và 329, trong đó có 2 tiểu đoàn pháo phản lực bố trí tại bờ Bắc sông Mshaga. Cuộc tập kích bất ngờ của các trung đoàn pháo chống tăng Liên Xô đã gây thiệt hai nặng nề cho trung đoàn xe tăng đi đầu của Sư đoàn xe tăng 8 (Đức) tại một khu vực hẹp giữa hai con sông Mshaga và Shelon, gần các thị trấn Mikhalkin (Mikhalkino) và Skirino. Ngày hôm sau, đến lượt chủ lực của Sư đoàn xe tăng 8 (Đức) bị đánh bật khỏi Soltsy, một tiểu đoàn cơ giới được phái đi trước của Sư đoàn cơ giới 3 (Đức) bị đánh tan ở ngoại ô thị trấn Gorodishche. Trung đoàn cơ giới 29 (Đức) bị đánh bật khỏi thị trấn Zhidi (???), buộc phải bỏ cả thị trấn Bolshaya Zvad (Zvad) vừa mới chiếm được. Chủ lực Sư đoàn cơ giới 3 (Đức) phải rút khỏi bờ Bắc sông Mshaga về Ostrov (???). Quân đội Liên Xô giành lại quyền kiểm soát tuyến đường sắt từ Prusno (Prussko) qua Soltsy đi Smolensk và dồn Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) về phía Tây.[16]

Ngày 18 tháng 7, Bộ tư lệnh Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) buộc phải điều Sư đoàn cơ giới SS "Totenkopf" và Sư đoàn cơ giới SS "Polozei" từ cánh trái sang cánh phải, chiếm lĩnh tuyến Nikolski (???) - Baranovo - Bolshoi Klin (Klin) - Dubenka (???) - Sông Sitnye, chặn được cuộc phản công của Quân đội Liên Xô trên tuyến này. Sau 5 ngày phản công, Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) không còn lực lượng dự bị để tiếp viện cho hướng Soltsy và phải dừng lại. Trên cánh Bắc, Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) với ưu thế áp đảo về lực lượng (cả hai sư đoàn xe tăng 1, 6 và Sư đoàn cơ giới 36 đều hoạt động trên hướng này) đã nhanh chóng vượt qua vùng rừng - đầm lầy ở phía Đông hồ Pskov và hồ Chudskoye, dồn các sư đoàn bộ binh 118 và 191 (Liên Xô) ra hướng biển Baltic. Một lỗ hổng lớn xuất hiện trên tuyến phòng thủ Luga của quân đội Liên Xô. Trước tình thế bắt buộc, Bộ tư lệnh Phương diện quân Bắc (Liên Xô) buộc phải điều Sư đoàn xe tăng 24, Sư đoàn bộ binh 177 đang chiến đấu với quân Phần Lan ở phía Bắc Leningrad cùng hai sư đoàn dân quân tình nguyện Leningrad 1 và 2 ra giữ tuyến phòng thủ Luga.[12]

Trận phòng thủ Luga

Quân đội Liên Xô phòng thủ trong chiến hào tại mặt trận Leningrad

Sau khi ổn định được tuyến mặt trận trên hướng Soltsy - Novgorod, thống chế Wilhelm von Leeb bắt đầu vạch kế hoạch tấn công vào phòng tuyến Luga mà ông ta cho là cánh cửa cuối cùng để mở toang mặt trận Leningrad của quân đội Liên Xô. Tuy nhiên, do phải mất thêm thời gian chuyển quân từ cánh phải sang và vượt qua vùng rừng - đầm lầy giữa sông Narva và sông Luga, cuộc tấn công của Tập đoàn quân 16 (Đức) bị hoãn lại từ ngày 22 tháng 7 đến ngày 6 tháng 8. Ngày 6 tháng 8, một bầu trời đầy mây mù đã tước đi của quân Đức sự yểm hộ từ trên không, buộc tướng Erich Hoepner phải tiếp tục lùi cuộc tấn công đến ngày 8 tháng 8. Không có không quân hỗ trợ cho mũi nhọn đột kích, Tập đoàn quân 16 (Đức) tiến công rất chậm chạp trên các hướng tới phòng tuyến Luga của quân đội Liên Xô. Trên khu vực đầu cầu Porechye cũng như tại khu vực đầu cầu Sabsk, Sư đoàn bộ binh 1, Sư đoàn cơ giới 36, Sư đoàn xe tăng 1 và Sư đoàn xe tăng 6 chỉ có thể nhích lên từng mét một. Tốc độ tấn công trong ngày đầu tiên của quân Đức chỉ đạt không quá 3 km ở khu vực Porechye đến 5 km ở khu vực Sabsk.[17]

Sáng ngày 9 tháng 8, các đơn vị trinh sát của Sư đoàn xe tăng 1 (Đức) đã phát hiện ra một điểm yếu trên phòng tuyến Luga của quân đội Liên Xô. Nó không nằm ở Luga, nơi quân đội Liên Xô đã huy động đến Sư đoàn xe tăng 24 và 3 sư đoàn bộ binh trấn giữ, mà nằm ở phía Nam "Cụm phòng thủ Kingisepp", nơi chỉ có Quân đoàn bộ binh 4 mới thành lập vội vã chỉ gồm Sư đoàn xe tăng 1 khá yếu (chỉ có 58 xe tăng hoạt động được), Sư đoàn bảo vệ bờ biển của Hạm đội Baltic và Sư đoàn học viên trường quân sự Kirov. Sang ngày 10 tháng 8, các sư đoàn xe tăng 1 và 6 (Đức) đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Sư đoàn học viên Kirov và đến ngày 14 tháng 8 đã đột kích sâu dọc theo đường sắt Kingisepp - Krasno Gvardeysk (Cận vệ đỏ) (Gatchino). Phòng tuyến Luga của quân đội Liên Xô bị vỡ một mảng lớn từ Kingisepp đến Ivanovskoye. Sư đoàn cơ giới 36 và Sư đoàn bộ binh 1 (Đức) bắt đầu tiến vào hậu cứ của cụm phòng thủ Luga (Liên Xô) từ phía Bắc. Sư đoàn xe tăng 8 (Đức) vừa hồi phục cũng được đưa đến khu vực đầu cầu Sabsk và vượt sông Luga, đánh bật Sư đoàn bộ binh 90 (Lien Xô) về tuyến Letoshitsy - Orlovka (???).[15]

Ngày 17 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) đánh chiếm đầu mối giao thông đường sắt quan trọng ở Volosovo và chỉ còn cách thành phố Krasno-Gvardeysk 40 km về phía Tây. Trên khu vực này hầu như không còn một đơn vị quân đội Liên Xô nào. Nguyên soái K. E. Voroshilov buộc phải điều ba sư đoàn bộ binh dự bị 270, 274 và 282 vừa mới được thành lập một cách vội vã ra phòng thủ khu vực Krasno-Gvardeysk. Trên cánh Bắc, Cụm phòng thủ Kingisepp (Liên Xô) bị đánh bật về phía Bắc con đường bộ từ Krasnoye Selo đi Kingisepp. Nhiều trận giao chiến ác liệt đã nổ ra dọc con đường này tại Antashi, Teshkovo (???), Pruzhitsy, Krestovo (kyorstovo) và Alekseevka giữa Sư đoàn xe tăng 1, Sư đoàn bộ binh 281, các sư đoàn dân quân tình nguyện 1 và 2 Leningrad (Liên Xô) với Sư đoàn xe tăng 6, Sư đoàn cơ giới 36 và Sư đoàn bộ binh 1 (Đức).[12]

Ở phía Nam phòng tuyến Luga, tướng Ernst Busch dồn các sư đoàn bộ binh 11 và 21 của Quân đoàn bộ binh 1 và Quân đoàn xe tăng 39 (được tăng cường từ Tập đoàn quân xe tăng 3) tấn công đánh chiếm Shimsk ngày 10 tháng 8. Ngày 12 tháng 8, các sư đoàn bộ binh 126 và 269 (Đức) bắt đầu tấn công trên hướng Novgorod. Các sư đoàn bộ binh 11 và 21 (Đức) cũng phát động một cuộc tấn công vào Chudovo. Ngày 13 tháng 8, Quân đoàn cơ giới 56 (Đức) bắt đầu tấn công vòng qua phía Nam lên hướng Leningrad. Trước nguy cơ bị bao vây, tướng A. N. Astanin, chỉ huy Cụm phòng thủ Luga (Liên Xô) điều động Sư đoàn xe tăng 24 và Sư đoàn bộ binh 177 chống trả quyết liệt. Trong khi ra tuyến đầu để đốc chiến, tướng SS Myulfershtedt bị tử trận bởi một viên đạn lạc. Tuy nhiên, tất cả cố gắng của tướng A. N. Astanin đều vô ích. Ngày 21 tháng 8, Bộ tư lệnh Tập đoàn quân 16 (Đức) đưa Quân đoàn bộ binh 28 được tăng cường Sư đoàn 281 vào giao chiến đã làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng trên mặt trận phía Nam Luga. Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc (Liên Xô) định điều Tập đoàn quân 34 mới thành lập ra ứng cứu cho phòng tuyến Luga nhưng không kịp. Toàn bộ khu vực phía Nam hồ Ilmen đã nắm trong vùng kiểm soát của Quân đoàn cơ giới 56 (Đức).[18]

Ngày 26 tháng 8, quân Đức khép vòng vây xung quanh khu vực giữa Luga và Krasno Gvardeysk. Trong vòng vây là phần còn lại của Sư đoàn xe tăng 24 và các sư đoàn bộ binh 70, 90, 111, 177 và 235. Sư đoàn xe tăng 24 (Liên Xô) mất gần hết xe tăng gồm 5 chiếc BT-7, 70 chiếc BT-5, 3 chiếc BT-2, 1 chiếc T-28, 7 pháo tự hành và 9 xe bọc thép. Các cuộc chiến đấu tại khu vực từ Luga đến Siversky còn tiếp tục đến giữa tháng 9. Một vài trung đoàn Liên Xô tại khu vực này đã lần lượt thoát khỏi vòng vây về với quân nhà tại khu vực Kirishi và Pogostye. Trong số những người thoát vây có tướng A. N. Astanin, các đại tá A. F. Mashoshin (chỉ huy Sư đoàn bộ binh 177), A. G. Rodin (chỉ huy Sư đoàn xe tăng 24), S. V. Roginsky (chỉ huy Sư đoàn bộ binh 111) và G. F. Odintsov (chỉ huy Sư đoàn 235). Quân Đức bắt được gần 20.000 tù binh Liên Xô trong các trận đánh.[4]

Trận phòng thủ Novgorod - Chudovo

Xe tăng Đức yểm hộ cho bộ binh tân công, tháng 9 năm 1941

Ngày 10 tháng 8 năm 1941, thời tiết trên khu vực phía Bắc hồ Ilmen trở nên tạnh ráo. Trong khi quân đội Liên Xô đã chuẩn bị cuộc phản công ở phía Nam hồ này thì lợi dụng thời tiết cho phép sự yểm hộ của không quân, Thượng tướng Ernst Busch, chỉ huy Tập đoàn quân 16 (Đức) vừa được tăng cường Quân đoàn xe tăng 39 điều động từ Tập đoàn quân xe tăng 3 đến đã quyết định ra tay trước. Quân đoàn xe tăng 39 và các quân đoàn bộ binh 1, 28 đã mở cuộc tấn công vào hướng Novgorod do Tập đoàn quân 48 (Liên Xô) của trung tướng S. D. Akimov chỉ gồm 3 sư đoàn bộ binh và 3 trung đoàn pháo binh trấn giữ.[18]

Tuyến phòng thủ mỏng yếu của Tập đoàn quân 48 (Liên Xô) tại khu vực Shimsk đã bị các sư đoàn bộ binh 1 và 21 (Đức) chọc thủng ngay trong ngày đầu tiên của cuộc tấn công. Ngày 11 tháng 8, quân Đức chiếm Shimsk. Ngày 12 tháng 8, các sư đoàn bộ binh 96 và 126 (Đức) được đưa vào cửa đột phá để mở rộng chính diện tấn công. Ngày 13 tháng 8, toàn bộ tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 48 (Liên Xô) sụp đổ. Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) tiếp tục khoan sâu lỗ đột phá về hướng Novgorod. Ngày 14 tháng 8, các sư đoàn bộ binh 11 và 21 (Đức) cắt đứt đường sắt từ Novgorod đi Luga, tạo ra nguy cơ hình thành một mũi tấn công thứ hai từ hướng Nam đánh vào Cụm phòng thủ Luga của quân đội Liên Xô. Ngày 15 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) cố gắng chiếm Novgorod trong hành tiến nhưng không thành công. Tối 15 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) mới chỉ chiếm được khu vực ngoại ô phía Nam Novgorod.

Với sự yểm hộ của Sư đoàn không quân hỗn hợp 8 (Đức) do trung tướng Gunther Korten chỉ huy, sáng 16 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 1 (Đức) huy động toàn lực tấn công vào Novgorod và đến chiều cùng ngày, Trung đoàn bộ binh 424 thuộc Sư đoàn bộ binh 126 (Đức) đã chiếm được thành Kremlin của Novgorod. Quân đội Liên Xô và Quân đội Đức Quốc xã giằng co với nhau phần phía Đông của Novgorod trong vài ngày tiếp theo. Ngày 18 tháng 8, quân Đức chiếm được một đầu cầu phía Đông sông Volkhov. Ngày 19 tháng 8, tướng Kuno-Hans von Both, chỉ huy Quân đoàn bộ binh 1 (Đức) quyết định chỉ để lại Sư đoàn bộ binh 11 tấn công dọc sông Volkhov và tung các sư đoàn bộ binh 21, 126 phối hợp với Quân đoàn xe tăng 39 tấn công lên Chudovo.[19]

Ngày 20 tháng 8, Sư đoàn bộ binh 21 (Đức) được tăng cường Trung đoàn pháo binh 37, tiểu đoàn pháo tự hành 666, tiểu đoàn cao xạ 272 và tiểu đoàn mô tô trinh sát 9 đã đánh bật quân đội Liên Xô khỏi Chudovo và cắt đứt đường sắt Moskva - Leningrad. Ở phía Đông Chudovo, Sư đoàn cơ giới 18 (Đức) đánh chiếm một đầu cầu trên bờ Đông sông Volkhov và bắt đầu triển khai tấn công về Bolshoy Vishera. Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc (Liên Xô) buộc phải điều Tập đoàn quân 52 do trung tướng N. M. Krylov chỉ huy gồm 7 sư đoàn bộ binh từ lực lượng dự bị ra giữ tuyến sông Msta.[20] Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc Liên Xô nhận thức được mối nguy hiểm khôn lường nếu quân đội Đức Quốc xã tiếp tục tấn công trên hướng Budogoshch - Tikhvin và tiến ra tuyến sông Svir để kết nối với quân Phần Lan đang tấn công từ Olonets xuống thì tình hình sẽ là vô phương cứu chữa. Để tăng cường cho mặt trận này, các tập đoàn quân 4 và 54 (Liên Xô) mới được thành lập một cách vội vã đã được ném ra khu vực Mga, Lyuban và Kirishi. Tuy nhiên, quân Đức chưa vội vã tiến lên phía Bắc. Ngày 22 tháng 8, các quân đoàn bộ binh 1 và 28 của Tập đoàn quân 16 (Đức) đã tiến ra tuyến sông Oredezh, tạo thành vòng vây phía sau Cụm phòng thủ Luga của quân đội Liên Xô.[4]

Trận phản công Staraya Russa

Từ ngày 12 đến ngày 25 tháng 8 năm 1941, trong một cố gắng để đẩy lùi cánh phải của Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức) đang tấn công theo hướng Novgorod - Volkhov để vây bọc Leningrad từ phía Nam và Đông Nam, Quân đội Liên Xô trên hướng Tây Bắc đã tổ chức một trận phản công lớn ở khu vực Staraya Russa và Đông Nam hồ Ilmen. Bộ Tổng tư lệnh hướng Tây Bắc của quân đội Liên Xô do nguyên soái K. E. Voroshilov cho rằng nếu đánh bại được Tập đoàn quân 16 trên khu vực Staraya Russa, quân đội Liên Xô có thể tiến đánh vào sau lưng Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đang tiến công trực diện vào phía Tây Nam Leningrad trên hướng Bolshoi Sabsk - Pushkin; buộc tập đoàn quân này phải bỏ kế hoạch tấn công đó. Kế hoạch phản công dự kiến sử dụng các tập đoàn quân 11, 27 và 34 của Phương diện quân Tây Bắc (tái lập) và Tập đoàn quân 48 của Phương diện quân Bắc. Lực lượng chủ công là Tập đoàn quân 34 do thiếu tướng K. M. Kachanov chỉ huy còn đang sung sức, được điều động từ lực lượng dự bị chiến lược của STAVKA. Tập đoàn quân này phải đối đầu với Quân đoàn bộ binh 10 (Đức) dưới sự chỉ huy của tướng Christian Hansen gồm các sư đoàn bộ binh 30 và 290.[5]

Cùng thời điểm, Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức) đã lên kế hoạch tiếp tục tấn công trên hướng Leningrad - Tikhvin nhằm đánh bại quân đội Liên Xô trên hướng này và chiếm Leningrad. Thống chế Wilhelm von Leeb dự kiến sử dụng Tập đoàn quân xe tăng 4 và Tập đoàn quân 18 tấn công trực diện vào Leningrad, Tập đoàn quân 16 sẽ luồn qua phía Nam Leningrad và vây bọc thành phố. Kế hoạch tấn công dự kiến bắt đầu ngày 15 tháng 8 sau khi Quân đoàn xe tăng 41 và Quân đoàn cơ giới 56 của Tập đoàn quân xe tăng 4 hoàn thành tập kết các sư đoàn xe tăng và cơ giới tại vị trí xuất phát tấn công từ phía Tây hồ Ilmen đến phía Nam Narva. Quân đoàn cơ giới 39 và Quân đoàn bộ binh 128 vừa được tăng cường cho Cụm tập đoàn quân Bắc là lực lượng dự bị để phát huy chiến quả ở phía Đông hồ Ladoga, nối mặt trận với Tập đoàn quân Karelia của quân đội Phần Lan đang tấn công trên hướng Petrozavodsk.[21]

Cuộc phản công của bốn tập đoàn quân Liên Xô khởi sự ngày 12 tháng 8 một cách vội vã. Trong khi cuộc tấn công của Tập đoàn quân 27 ở khu vực Kholm ngay từ đầu đã bị Sư đoàn cơ giới 3 (Đức) chặn đứng trên sông Lovat thì Tập đoàn quân 34 lại đạt được nhiều thành công hơn. Trong ngày đầu tiên của cuộc phản công, Tập đoàn quân này đã tiến sâu đến 15 km, chọc thủng tuyến phòng thủ của Sư đoàn bộ binh 30 (Đức) ở phía Nam Staraya Russa và tiến về trung tâm đường sắt Dno. Ngày 14 tháng 8, các sư đoàn bộ binh 245, 254 và 2 sư đoàn kỵ binh Liên Xô đã cắt đứt tuyến đường sắt Dno - Staraya Russa. Tập đoàn quân 11 cùng vượt qua con đường sắt này và hướng đòn tấn công về Soltsy, nơi trước đó mấy ngày đã diễn ra cuộc phản công không thành công của chính họ. Tuy nhiên, tại phía Tây Bắc hồ Ilmen, Tập đoàn quân 48 của Phương diện quân "Bắc" có trong tay Sư đoàn xe tăng 21 đã không thể vượt qua tuyến phòng thủ của Quân đoàn bộ binh 128 (Đức) ở phía Đông Bắc Utorgosh để đón gặp cánh quân xung kích của Tập đoàn quân 34. Ngày 15 tháng 8, sức tấn công của quân đội Liên Xô cạn dần.[18]

Cuộc phản công bất ngờ của quân đội Liên Xô đã buộc thống chế Wilhelm von Leeb phải điều động Quân đoàn cơ giới 39 từ lực lượng dự bị đến Dno và mở cuộc phản kích vào sườn trái Tập đoàn quân 34 (Liên Xô). Sư đoàn cơ giới SS "Totenkopf" vừa chiếm được Shimsk cũng hủy bỏ cuộc tấn công lên Novgorod và quay lại đối phó với Tập đoàn quân 11 (Liên Xô). Quân đoàn bộ binh 128 đảm nhận toàn bộ tuyến Utorgosh - Shimsk thay thế cho Quân đoàn cơ giới 56. Ngày 19 tháng 8, các quân đoàn cơ giới 39 và 56 (Đức) đồng loạt phản kích vào bên sườn các cánh quân xung kích của quân đội Liên Xô, buộc các đơn vị này phải rút lui khỏi các mục tiêu vừa chiếm được. Ngày 25 tháng 8, ba tập đoàn quân Liên Xô bị đánh bật trở lại bờ Đông sông Lovat.[21]

Quân đội Liên Xô đã không hoàn thành mục tiêu trận phản công và bị thiệt hại nặng nề. Các tập đoàn quân 11, 27 và 34 tổn thất 128.550 người chết và mất tích (khoảng 39,3% quân số ban đầu). Riêng Tập đoàn quân 34 có 32.869 người chết và mất tích (chiếm 59,86% quân số). Tổn thất về phương tiện chiến tranh gồm 84 xe tăng, 73 xe bọc thép, 748 pháo, 628 súng cối. Phía Đức tuyên bố bắt giữ 18.000 tù binh Liên Xô. Trước tổn thất nặng nề này, STAVKA lại lập một tòa án quân sự do L. D. Mekhlis làm chánh án. Tòa án này đã tuyên án tử hình đối với tướng K. M. Kachanov, tư lệnh và thiếu tướng pháo binh V. S. Goncharov tham mưu trưởng Tập đoàn quân 34. Tướng Pyotr Petrovich Sobennikov, tư lệnh Phương diện quân Tây Bắc bị kết án 5 năm tù giam. Trung tướng P. A. Kurochkin được chỉ định thay thế ông chỉ huy Phương diện quân. Tuy nhiên, nhờ các bạn bè của ông ở Bộ Tổng tham mưu xin I. V. Stalin tha thứ nên tháng 2 năm 1942, Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao đã xem xét lại trường hợp của ông. P. P. Sobennikov chỉ bị giáng cấp xuống đại tá, bị tước Huân chương Sao đỏ và Huy chương 20 năm phục vụ Hồng quân, được ở lại trong quân đội để "lập công chuộc tội" với chức vụ Cục trưởng tham mưu Bộ Tư lệnh quân dự bị. Tháng 4 năm 1943, ông được nhận lại quân hàm thiếu tướng. Tháng 2 năm 1944, ông được thăng hàm trung tướng.[4]

Trận phòng thủ Demyansk

Cuối tháng 8 năm 1941, Tập đoàn quân 16 (Đức) đã cơ bản hoàn thành việc bao vây cụm quân Liên Xô tại khu phòng thủ Luga. Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc (Liên Xô) buộc phải đưa những lực lượng mới để thiết lập tuyến phòng thủ mới trên tuyến Đông Narva - Siversky để chặn Tập đoàn quân 18 (Đức). Tuy nhiên, mũi tấn công trên hướng Chudovo của Tập đoàn quân 16 (Đức) đã tạo ra một lỗ hổng lớn tại khu vực phía Nam Leningrad. Các tập đoàn quân 42 và 55 được cấp tốc thành lập, tổng quân số chỉ gồm 4 sư đoàn chính quy, 4 sư đoàn dân quân và quân tình nguyện cùng tàn quân của các cụm phòng thủ Krasnogvardeysk, Chudovo và 2 tiểu đoàn xe tăng được ném ra hướng này để bịt cửa mở ở Đông Nam Leningrad. Trong khi đó, cánh phải của Tập đoàn quân 16 (Đức) đã phối hợp với Quân đoàn xe tăng 57 ở cánh trái của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) mở cuộc tấn công trên hướng Demyansk.[22]

Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc huy động vào cuộc tấn công này các quân đoàn bộ binh 2, 10 (5 sư đoàn bộ binh) và Sư đoàn cơ giới 3 SS "Totenkopf". Quân đoàn xe tăng 57 trên cánh trái của Cụm tập đoàn quân Trung tâm cũng được huy động vào các trận đánh. Quân đội Liên Xô phòng ngự tại khu vực Demyansk gồm Tập đoàn quân 11 của trung tướng V. I. Morozov, Tập đoàn quân 27 của thiếu tướng N. E. Berzarin, Tập đoàn quân 34 của thiếu tướng P. F. Alfereyev và cánh quân phía Nam của Cụm phòng thủ Novgorod. Khu vực Demyansk có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng trên toàn bộ tuyến phòng ngự của quân đội Liên Xô ở hướng Tây Bắc. Nếu quân đội Đức Quốc xã chiếm được khu vực này, các sư đoàn Đức có thể đánh vòng ra phía sau Cụm phòng thủ Novgorod cũng như Tập đoàn quân 52 đang phòng ngự ở phía Đông và Đông Bắc hồ Ilmen. Từ Demyansk, quân Đức cũng có thể giáng một đồn vu hồi từ phía Tây Bắc vào Kalinin (Tver), phá vỡ thế trận phòng thủ của Phương diện quân Tây (Liên Xô) trên hướng Tây Bắc Moskva.[15]

Ngày 1 tháng 9 năm 1941, quân đội Đức Quốc xã bắt đầu tấn công. Đòn công kích đầu tiên do Quân đoàn bộ binh 2 (Đức) có Sư đoàn cơ giới 18 mở đường giáng vào Tập đoàn quân 27 (Liên Xô) đang phòng thủ trên tuyến sông Lovat, phía Bắc Kholm. Ngày 2 tháng 9, Quân đoàn bộ binh 10 (Đức) cũng mở cuộc tấn công vào Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) đang đóng tại phu vực Parfino, phía Đông Staraya Russa. Ngày 3 tháng 9, Sư đoàn xe tăng 3 và Sư đoàn cơ giới SS "Totenkpof" cũng tiến công vào phòng tuyến của Tập đoàn quân 34 trên tuyến sông Lovat từ Rosino đến Izbitovo (???). Đòn đột kích mạnh bằng 5 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn cơ giới Đức có không quân yểm hộ vào các sư đoàn đã bị tiêu hao buộc 3 tập đoàn quân Liên Xô phải rút lui khỏi tuyến sông Lovat. Ngày 7 tháng 9, xe tăng Đức vượt sông Pola tấn công vào chỗ tiếp giáp giữa Tập đoàn quân 27 và tập đoàn quân 34 (Liên Xô), buộc Tập đoàn quân 27 (Liên Xô) phải lùi sâu về tuyến Orekhovo - Seliger để giữ Ostashkov. Các sư đoàn bộ binh 245, 257, 259 và 262 của Tập đoàn quân 34 có nguy cơ bị bao vây khi vẫn đang giữ đầu cầu trên bờ Tây sông Pola ở cách Demyansk 20 km về phía Tây. Trên cánh Bắc, Quân đoàn bộ binh 10 (Đức) cũng đánh bật các sư đoàn bộ binh 182, 183, 202 và Sư đoàn cơ giới 21 (chiến đấu như bộ binh) của Tập đoàn quân 11 khỏi tuyến sông Pola. Ngày 8 tháng 9, quân Đức chiếm Demyansk và đẩy lùi Tập đoàn quân 34 (Liên Xô) về hướng Valday, cách đầu mối đường sắt này 30 km về phía Tây Nam.

Trước nguy cơ Tập đoàn quân 52 và Cụm phòng thủ Novgorod bị bao vây, Bộ tư lệnh hướng Tây Bắc (Liên Xô) buộc phải yêu cầu STAVKA chi viện. Ngày 10 tháng 9, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô điều Sư đoàn xe tăng 28 (rút từ Phương diện quân Bắc) và Sư đoàn bộ binh 5 (lấy từ lực lượng dự bị) phối thuộc cho Tập đoàn quân 27, tăng cường các tiểu đoàn xe tăng độc lập 87 và 110 cho Tập đoàn quân 11, bổ sung Trung đoàn cơ giới 3 và các tiểu đoàn xe tăng độc lập 108, 112 cho Tập đoàn quân 34. Với một số binh lực mới được tăng cường, ngày 12 tháng 9, các đơn vị cánh trái của Tập đoàn quân 11 và cánh phải của Tập đoàn quân 34 (Liên Xô) mở cuộc phản công nhằm chiếm lại Demyansk nhưng không thành công. Các sư đoàn cơ giới 18, 3 SS "Totenkorpf" và Sư đoàn xe tăng 19 (Đức) đã dựng thành một bức tường thép chặn các hướng Bắc và Đông Demyansk và phản đột kích ngay sau khi cuộc phản công của quân đội Liên Xô thất bại. Ngày 14 tháng 9, Tập đoàn quân 11 phải rút về tuyến Lychkovo - Luzhnykh (???), Tập đoàn quân 34 phải rút về tuyến Lychkovo - Đông Demyansk. Ngày 15 tháng 9, Sư đoàn xe tăng 19 (Đức) tiến đến hồ Velye, đạt được chiều sâu nhiệm vụ xa nhất trên hướng này.

Từ ngày 16 tháng 9, Quân đoàn bộ binh 2 và Quân đoàn cơ giới 56 (Đức) tiếp tục công kích nhưng với các lực lượng mới được tăng viện, quân đội Liên Xô vẫn giữ vững tuyến phòng thủ ở Tây Nam vùng đồi Valday. Ngày 21 tháng 9, trung tướng Franz Halder, tham mưu trưởng lục quân Đức ghi nhận:

Đối phương đã tạo ra rất nhiều áp lực lên quân đội của chúng ta tại vùng đồi Valday. Họ đã phát động một cuộc tấn công lớn vào Quân đoàn bộ binh 2, có sử dụng cả xe tăng
— Franz Halder[23]

Đến ngày 30 tháng 9, quân đội Đức Quốc xã hầu như dẫm chân tại chỗ trên vùng đồi Tây Nam Valday. Quân đội Liên Xô đã thiết lập được tuyến phòng thủ vững chắc từ phía Đông hồ Ilmen đến Isakovo. Sư đoàn bộ binh 180 phòng thủ tuyến hồ Ilmen - Lychkovo, đối diện với họ là Sư đoàn bộ binh 290 (Đức). Các sư đoàn bộ binh 26, 84, 128 và Sư đoàn cơ giới 202 chiếm giữ địa đoạn từ Lychkovo đến Kirillovschina, lực lượng dự bị tuyến 2 có Lữ đoàn xe tăng 8 các sư đoàn kỵ binh 25, 54 mới được điều từ lực lượng dự bị đến. Phía bên kia chiến tuyến là Sư đoàn bộ binh 30 và Sư đoàn cơ giới 3 SS "Totenkopf". Các sư đoàn bộ binh 163, 245, 259, 262 giữ tuyến Kirillovschina - Isakovo, phía sau họ là Sư đoàn bộ binh 188 và Lữ đoàn pháo chống tăng 10. Đối diện với họ là Sư đoàn bộ binh 32 (Đức). Trên vùng hồ Orekhov đến Ostakovo có các sư đoàn bộ binh 4, 23, 28 (tuyến 1), 33, 183 và sư đoàn kỵ binh 46 (tuyến 2) phòng thủ.[3]

Quân đội Đức Quốc xã bao vây Leningrad

Kết thúc chiến dịch, mặc dù các tập đoàn quân 11, 27 và 34 (Liên Xô) đã chặn được Tập đoàn quân 16 (Đức) tại khu vực phía Đông Demyansk, loại trừ một phần nguy cơ đứt đoạn giữa Phương diện quân Tây Bắc (tái lập) và Phương diện quân Tây nhưng điều đó là không đủ để chặn các đòn tấn công của Quân đội Đức Quốc xã về hướng Leningrad. Sau khi đánh bại cuộc phản công Staraya-Russa của quân đội Liên Xô, Tập đoàn quân 18 (Đức) đã tiến đến vùng đồi Pulkovo, cửa ngõ phía Tây Nam Leningrad, đồng thời bao vây một bộ phận của Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) vừa rút từ Tallinn về tại mỏm đất Oranienbaum (Lomonosov), đối diện với pháo đài Kronstad. Leningrad trở thành một thành phố mặt trận. Sông Neva trở thành tuyến phòng thủ chính ở phía Nam Leningrad. Sự kiện đặc biệt quan trọng đã diễn ra ngày 22 tháng 8 năm 1941 khi các sư đoàn xe tăng của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đã chọc thủng phòng tuyến của quân đội Liên Xô ở chỗ tiếp giáp giữa Tập đoàn quân 55 (Phương diện quân Leningrad) và Tập đoàn quân 54 (Phương diện quân Tây Bắc) tại khu vực Kolpino - Mga, tiến ra bờ hồ Ladoga, đánh chiếm "cái cổ chai" Shlisselburg. Leningrad hoàn toàn bị cắt rời khỏi "đất lớn" và chỉ còn có thể liên lạc được qua hồ Ladoga. Cuộc phong tỏa 900 ngày của quân đội Đức Quốc xã và cuộc chống phong tỏa của Quân đội Liên Xô và nhân dân Leningrad bắt đầu.[24]

Trên hướng ra hồ Onega, Cánh trái của Tập đoàn quân 16 (Đức) được Quân đoàn xe tăng 39 và Quân đoàn xe tăng 41 hiệp lực tiếp tục tấn công. Ngày 1 tháng 9, Quân đoàn bộ binh 1 và Quân đoàn bộ binh 28 (Đức) có Sư đoàn xe tăng 1 mở đường đã đánh bật Tập đoàn quân 54 (Liên Xô) khỏi tuyến phòng thủ Mga - Kirishi, đánh chiếm Kirishi và Gorodishche, uy hiếp thành phố Volkhov. Trên hướng Chudovo, Quân đoàn xe tăng 39 và Quân đoàn bộ binh 38 (Đức) bắt đầu mở chiến dịch tấn công lớn lên Tikhvin, đe dọa cắt đứt những con đường sắt cuối cùng từ vùng phía Tây sông Volga (Liên Xô) lên mặt trận Tây Bắc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phòng_ngự_chiến_lược_Leningrad http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_07.html http://militera.lib.ru/db/halder/1941_09.html http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av5/01.html http://militera.lib.ru/h/kovalchuk_vm/01.html http://militera.lib.ru/h/leningrad/01.html